Thanh Toán LC Là gì? Quy Trình Thanh Toán LC Và Những Lưu Ý

Rate this post

Thanh toán LC là gì? Quy trình thanh toán LC được diễn ra như thế nào? Đây là câu hỏi cũng như là khái niệm quen thuộc đối với những ai làm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa. LC là một trong những phương thức thanh toán quốc tế được ưa chuộng và sử dụng nhiều nhất.

Vậy có những đặc điểm gì khiến phương thức thanh toán LC trở nên phổ biến như thế? Hãy cùng đi tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé!

»»»»» Review Khóa Học Logistics Chuyên Sâu Tốt Nhất

1. LC là gì trong xuất nhập khẩu?

Thanh toán LC là gì?

Khái niệm thanh toán L/C:

Thanh toán L/C (Letter or Credit) hay còn được gọi là thư tín dụng chứng từ. Thư tín dụng này là bức thư hay cam kết được lập ra bởi ngân hàng, là đại diện của người mua (bên nhập khẩu) theo yêu cầu của họ.

Theo đó, Ngân hàng thay mặt người mua (người nhập khẩu) cam kết với người bán (người xuất khẩu) sẽ thanh toán tiền trong đúng thời gian quy định khi người bán xuất trình đầy đủ những chứng từ hợp lệ được quy định trong L/C.

Nói ngắn gọn thì L/C là thư cam kết của ngân hàng về việc thanh toán cho bên xuất khẩu, hay còn gọi là người bán.

Đối tượng tham gia vào thanh toán L/C là những bên nào?

– Người yêu cầu mở L/C (Applicant): Người mua/người nhập khẩu.

– Người hưởng lợi L/C (Beneficiary): Người bán/người xuất khẩu hàng hóa.

– Ngân hàng mở L/C (Issuing bank): Ngân hàng đại diện cho người mua/người nhập khẩu có thể cấp tín dụng cho người mua/người nhập khẩu.

– Ngân hàng thông báo thông báo L/C: Thường là ngân hàng đại lý của ngân hàng mở L/C hoặc ngân hàng bên bán.

– Ngân hàng xác nhận (Confirming Bank), ngân hàng chiết khấu (Negotiating bank), ngân hàng trả tiền (Reimbursing Bank): Các ngân hàng này có thể có hoặc không tùy thuộc vào yêu cầu của người mua trong đơn xin mở L/C và sự ủy nhiệm của ngân hàng mở L/C.

2. Các loại LC phổ biến trong thanh toán quốc tế

Trong thanh toán quốc tế, thư tín dụng L/C được phân ra nhiều loại, tùy thuộc vào tính chất của các giao dịch mà có những loại L/C khác nhau.

2.1. Theo tính chất hủy ngang

Căn cứ vào tính chất hủy ngang thì L/C được chia thành 2 loại:

– L/C có thể hủy ngang (Revocable L/C): là loại L/C mà sau khi mở thì việc bổ sung, sửa chữa, thậm chí là hủy bỏ có thể tiến hành một cách đơn phương.

– L/C không thể hủy ngang (Irrevocable L/C): là loại L/C mà sau khi mở thì việc bổ sung, sửa chữa, hủy bỏ chỉ được ngân hàng tiến hành theo thỏa thuận của tất cả các bên tham gia có liên quan tới.

Trong quá trình giao dịch thương mại quốc tế thì hình thức L/C không thể hủy ngang này được sử dụng phổ biến nhiều nhất.

2.2. Theo thời hạn thanh toán

Căn cứ vào thời hạn thanh toán thì L/C được chia thành 2 loại:

– L/C trả ngay (L/C at sight): là loại L/C mà người bán sẽ được thanh toán trong vòng 5 ngày làm việc sau khi đã xuất trình đầy đủ những chứng từ hợp lệ được quy định trong L/C (người bán phải phát hành hối phiếu trả ngay để yêu cầu thanh toán).

– L/C trả chậm (Deferred payment L/C): là loại L/C không thể hủy ngang, trong đó ngân hàng mở L/C cam kết với người bán rằng sẽ thanh toán đúng thời hạn được ghi trong L/C sau khi đã nhận được bộ chứng từ hợp lệ từ người bán và không cần hối phiếu. Với trường hợp ngân hàng mở L/C chỉ định một ngân hàng khác thanh toán thì ngân hàng mở L/C đó cũng phải cam kết bồi hoàn lại số tiền mà ngân hàng thanh toán theo đúng thời hạn cam kết.

2.3. Theo tính chất vận hành của L/C

Căn cứ vào tính chất vận hành, L/C sẽ được chia thành 5 loại:

– L/C chuyển nhượng (Transferable L/C): là loại L/C không thể hủy ngang, quy định quyền của ngân hàng mở L/C được thanh toán hoàn toàn hay một phần cho một hay nhiều người theo lệnh của người được hưởng lợi đầu tiên.

– L/C giáp lưng (Back-to-Back Letter of Credit): là loại L/C mới mở dựa trên cơ sở loại tín dụng không chuyển nhượng (tín dụng gốc) – cho một người thụ hưởng khác.

– L/C tuần hoàn (Revolving Letter of Credit): Là loại L/C trong đó ngân hàng cam kết phát hành phục hồi lại giá trị ban đầu của L/C sau khi nó đã được sử dụng. Số lần phục hồi và khoảng thời gian trong hiệu lực phải được quy đinh rõ ràng trong L/C.

– L/C dự phòng (Standby letter of Credit): là một loại L/C thể hiện nghĩa vụ của ngân hàng phát hành tới người thụ hưởng trong việc:

+ Thanh toán lại khoản tiền mà người yêu cầu mở L/C dự phòng đã vay hoặc đã ứng trước.

+ Thanh toán khoản nợ của người mở L/C dự phòng.

+ Bồi thường những thiệt hại cho người bán mà người mở L/C dự phòng không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình.

– L/C điều khoản đỏ (Red Clause L/C): Là loại L/C mà ngân hàng phát hành cho phép ngân hàng thông báo ứng trước cho người mua để mua hàng hóa theo L/C mở.

2.4. Theo tính chất thanh toán của L/C

– L/C trả ngay (L/C at sight): Người mở L/C đồng ý thanh toán cho người bán ngay khi người bán xuất trình đầy đủ chứng từ hợp lệ.

– L/C trả chậm (L/C Upas nội địa): Loại L/C trả chậm nhưng có thể thanh toán ngay. Nghĩa là người bán có thể nhận được tiền thanh toán ngay thông qua việc ứng vốn từ ngân hàng và bên mua sẽ phải chịu lãi suất phát sinh cho việc thanh toán sớm theo L/C Upas này.

3. Nội dung cần có trong thư tín dụng LC

Trong thanh toán quốc tế, có rất nhiều loại L/C khác nhau nhưng thường chúng phải có đầy đủ những nội dung cơ bản sau đây:

– Số hiệu,địa điểm và ngày mở L/C (No of L/C, Place and Date of Issuing)

+ Địa điểm mở L/C là nơi mà ngân hàng mở L/C cam kết thanh toán cho người bán.

+ Ngày mở L/C là ngày bắt đầu phát sinh cam kết giữa người bán với ngân hàng mở, hay là ngày bắt đầu tính thời hạn hiệu lực của L/C.

– Loại L/C: Do mục đích sử dụng và tính chất từng loại L/C khác nhau nên trong hợp đồng thương mại cần phải ghi rõ loại L/C sử dụng.

– Tên, địa chỉ của người thụ hưởng

– Số tiền của L/C (Amount of money): phải vừa được ghi bằng số, vừa được ghi bằng chữ thống nhất với nhau (hoặc có thể 1 trong 2).

– Thời hạn hiệu lực (Expiry date) là thời hạn mà ngân hàng mở L/C cam kết trả tiền cho người bán nếu người bán xuất trình đầy đủ bộ chứng từ hợp lệ được quy định trong L/C.

– Thời hạn trả tiền của L/C (Latest payment date): thời hạn trả tiền ngay hay trả tiền về sau.

– Thời hạn giao hàng (Shipment date)

– Nội dung về hàng hóa (Description of goods).

– Nội dung về vận tải (Shipment term).

– Những chứng từ mà người bán phải xuất trình (Document for payment) – phần quan trọng nhất.

– Cam kết trả tiền của ngân hàng mở L/C.

– Những điều kiện đặc biệt khác

– Chữ ký của ngân hàng mở L/C

4. Quy trình thanh toán LC

Quy trình thanh toán LC

Bước 1: Người mua (người nhập khẩu) yêu cầu ngân hàng mở L/C căn cứ vào các điều khoản trong hợp đồng mua bán đã đàm phán thống nhất.

– Chuẩn bị hồ sơ gửi cho ngân hàng mở L/C: Thư yêu cầu phát hành L/C, Bản sao hợp đồng mua bán ngoại thương (giấy tờ tương đương), giấy phép nhập khẩu (nếu có).

– Thực hiện ký quỹ cho ngân hàng: tùy theo hình thức phát hành vốn mà người mua phải ký quỹ mở L/C cho ngân hàng từ 0% đến 100% giá trị lô hàng.

Bước 2: Ngân hàng Mở sẽ mở L/C và gửi L/C cho Ngân hàng Thông báo

– Thông thường khi có bản nháp L/C thì ngân hàng Mở sẽ gửi nó cho người mua để kiểm tra, người mua gửi cho người bán để kiểm tra.

– Nếu L/C xuất hiện vấn đề thì người bán sẽ tham vấn Ngân hàng thông báo, yêu cầu người mua làm việc lại với ngân hàng Mở để chỉnh sửa L/C sao cho đúng .

– L/C thường là bản bằng mã điện SWIFT.

Bước 3: Ngân hàng Thông báo sẽ kiểm tra L/C và chuyển L/C cho người bán.

– Trong bước này, bản L/C thường là bản Scan.

– Người bán nên làm việc thông qua ngân hàng Thông báo.

Bước 4: Người bán giao hàng cho người mua theo L/C quy định.

Bước 5: Người bán lập bộ chứng từ theo yêu cầu của L/C và giao cho Ngân hàng Thông báo.

Bước 6: Ngân hàng Thông báo kiểm tra và gửi bộ chứng từ cho ngân hàng Mở.

Bước 7: Ngân hàng Mở sẽ kiểm tra chứng từ, nếu bộ chứng từ này là phù hợp với yêu cầu thì tiến hành thanh toán cho Ngân hàng thông báo.

Bước 8: Ngân hàng Thông báo báo tiền đã vào tài khoản cho người bán.

Bước 9: Ngân hàng Mở sẽ xuất trình bộ chứng từ để người mua kiểm tra và giao bộ chứng từ đó cho người mua nhận hàng.

5. Ưu nhược điểm của phương thức thanh toán LC

5.1. Ưu điểm của phương thức thanh toán L/C

– Đối với người bán/người xuất khẩu:

+ Người bán sẽ được ngân hàng thanh toán đúng như quy định trong L/C dù cho người mua có muốn thanh toán hay không.

+ Hạn chế tối đa sự chậm trễ trong chuyển giao chứng từ.

+ Để chuẩn bị cho việc thực hiện hợp đồng thì khách hàng có thể đề nghị chiết khấu L/C

– Đối với người mua/người nhập khẩu:

+ Người mua chỉ thanh toán khi hàng hóa đã được giao.

+ Yên tâm khi người bán sẽ phải cam kết thực hiện đúng các quy định trong L/C

– Đối với ngân hàng:

+ Có được lợi nhuận khi thu các phí dịch vụ (phí mở L/C, phí chuyển tiền, phí thanh toán toàn bộ,…).

+ Mở rộng được quan hệ thương mại quốc tế.

5.2. Nhược điểm của phương thức thanh toán L/C

– Đối với người bán/người xuất khẩu: Vì một số lý do nào đó mà người bán không xuất trình được đầy đủ chứng từ quy định trong L/C thì người bán sẽ bị ngân hàng từ chối thanh toán tiền hàng.

– Đối với người mua/người nhập khẩu: L/C độc lập với hợp đồng ngoại thương. Hàng hóa giao đến người mua có thể không đảm bảo được số lượng, chất lượng, vì L/C chỉ kiểm tra bộ chứng từ có hợp lệ với đúng quy định hay không.

Nói chung, phương thức thanh toán L/C diễn ra rất máy móc, tỷ mỉ, các bên cần phải có sự thận trọng trong khi lập và kiểm tra chứng từ. Với một sai sót nhỏ nào đó thì việc thanh toán cũng sẽ bị từ chối. Ngân hàng phát hành L/C có thể cũng ra chịu hậu quả lớn nếu việc kiểm tra chứng từ gặp sai sót, lỗi lầm nào đó.

Trên đây là toàn bộ những nội dung nhắm giải đáp các câu hỏi L/C là gì, quy trình thanh toán L/C hay phân loại L/C, L/C Upas là gì,… Nhìn chung, việc chuẩn bị và hiểu biết chắc chắn các kiến thức về thanh toán quốc tế là điều cơ bản cần thiết đối với các nhà xuất nhập khẩu. Đặc biệt trong tình hình thương mại quốc tế ngày càng phát triển thì các phương thức này lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu bạn có thắc mắc thì hãy để lại ở bình luận bên dưới đây Cộng đồng Logistics sẽ cố gắng giải đáp tận tình nhé!

Xem thêm: 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *